Câu chuyện lạ lùng
Ngày
18/2/2009, ông Đoàn Ngọc Long (xã Đình Dù, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng
Yên) có đơn trình báo công an về việc đứa cháu mới sinh bống dưng biến
mất tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Theo trình báo, ngày
15/2, con dâu ông, chị Đỗ Ngọc Hằng (ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên) vào
Bệnh viện phụ sản Trung ương để sinh con. Nhưng khi gia đình đến đón,
thì chị Hằng nói đứa bé đã bị chết.
![]() |
Trẻ sơ sinh đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh hoạ: VNN |
Trước yêu
cầu xin thi thể cháu bé đưa về quê mai táng, Bệnh viện đã tổng ra soát
tất cả các khoa, nhưng kết quả cho thấy: Tối 15/2/2009, không có sản
phụ nào tên là Đỗ Ngọc Hằng nhập viện chờ đẻ và không có trường hợp nào
đẻ con bị chết.
Tuy câu chuyện lạ lùng này đã tạm
khép lại bằng việc gia đình ông Long rút đơn kiện bệnh viện, nhưng
nhiều người trong cuộc vẫn tin rằng: Việc sản phụ chửa 12 tháng - 48
tuần, "chửa trâu" - là chuyện có thật và họ đã chứng kiến nhiều phụ nữ
"chửa trâu" ở địa phương mình.
Để cung cấp thông tin xác thực cho độc giả, VTC News đã gặp các chuyên gia sản khoa.
"Chửa hơn 11 tháng chỉ là lừa nhau thôi"
BS Nguyễn
Việt Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khẳng định: Ai đó cho
rằng mình chửa hơn 11 tháng chỉ là lừa nhau mà thôi. Thai sẽ chết lưu
nếu nằm trong tử cung quá 42 tuần.
Theo các
bác sĩ, thời gian mang thai chỉ kéo dài trong 40 tuần. Trường hợp lâu
nhất thường chỉ bước sang tuần thứ 42. Với những trẻ đẻ già tháng, da
thường bị vàng khè, nhăn nheo, bẩn vì nước ối cạn bám vào. Trẻ sẽ có
mặt mũi trông "già", tóc tai rậm rạp và mắt trố. Các bác sĩ phải giúp
trẻ thở ô xy thì da trẻ mới căng ra như bình thường.
|
Phụ nữ và thai nhi đều gặp nguy hiểm nếu mang thai quá 42 tuần. (Ảnh minh họa). Ảnh thegioibeyeu.com. |
BS Tiến
cho biết: Tôi gặp trường hợp chửa lâu nhất là bước sang tuần thứ 42.
Với những trường hợp này, quá ngày sinh, bác sĩ sau khi khám xong mà
cho bệnh nhân về là không thể chấp nhận được. Ở bệnh viện tôi, bác sĩ
nào khám như thế tôi đuổi việc ngay, vì nó liên quan đến tính mạng của
người mẹ và thai nhi".
Các bác sĩ
khẳng định, nếu thai già tháng, nguy cơ thai chết trong tử cung là rất
lớn. Tỉ lệ tử vong tăng dần theo thời gian có thai quá với thời gian
bình thường. Tỷ lệ tử vong cao gấp hai lần bình thường khi thai trên 43
tuần; cao gấp 3 lần khi thai trên 44 tuần. Lý do là nhau thai xơ hóa,
không đưa dinh dưỡng vào được cho trẻ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, chửa già tháng, nước ối cạn rất nhanh, trao đổi ôxy và dinh
dưỡng giữa mẹ và thai nhi vì thế mà giảm đi.
Tình huống
xấu nhất của chửa lâu chính là chết cả mẹ lẫn con, vì rối loạn đông máu
của người mẹ. BS. Nguyễn Văn Thạch - Quyền trưởng khoa Bảo vệ bà mẹ và
kế hoạch hóa gia đình - Trung tâm chăm sóc sinh sản Nghệ An khẳng định,
các bác sĩ thường chỉ định mổ ngay nếu thai già tháng. Nếu mổ muộn,
người mẹ dễ bị viêm niêm mạc tử cung vì phân su bé ị ra và nước ối đặc
gây nhiễm trùng. Từ đó làm nhiễm trùng huyết hoặc tắc mạch ối. Nếu tắc
mạch ối có nguyên nhân từ thai già tháng sẽ khiến chết cả mẹ lẫn con.
Cái chết này diễn ra rất nhanh, chỉ trong vài phút, và các bác sĩ
thường trở tay không kịp.
BS Thạch
cho biết thêm, ở nước ngoài, xảy ra trường hợp tắc mạch ối, các bác sĩ
thường phải "hy sinh" người mẹ, mổ ngay (không gây mê, gây tê) để kịp
cứu con.
Trẻ già
tháng khó nuôi hơn trẻ đẻ non tháng vì cơ thể của trẻ không được thoát
ra ngoài tử cung đúng thời điểm, không được hấp thụ khí trời, sức đề
kháng kém, nuôi dưỡng một thời gian cuối trong bụng mẹ không tốt do xơ
hóa nhau thai. Bởi vậy, trẻ già tháng sau khi sinh cần phải rất chú
trọng mặt dinh dưỡng.
Nguyên
nhân của việc chửa tới 42 tuần, đến nay vẫn chưa rõ ràng. BS đông y Vũ
Quốc Trung cho biết: "Những yếu tố thuận lợi dẫn đến chửa lâu là do
thai vô sọ (không có tuyến yên và tuyến thượng thận) hoặc do phụ nữ bị
dị dạng ở eo và tử cung".
Ngoài ra,
một số yếu tố ngoại cảnh khác tác động dẫn đến chửa lâu. BS Nguyễn Văn
Thạch ví dụ: Nếu lúc có dấu hiệu đau chuyển dạ mà người mẹ không biết
lại đi uống thuốc giảm đau hoặc uống sâm, đạm hay thuốc bắc sẽ khiến cơ
tử cung mềm đi, mất hết cơn co, yếu tố chuyển dạ bị mờ, cơ thể không tự
đẻ được, cũng có thể kéo dài thêm thời gian mang thai, dẫn đến "chửa
trâu".