Khoa Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội từng
tiếp nhận không ít những nạn nhân do lạm dụng thuốc giảm đau mỗi khi cơ
thể bị đau nhức. Nhẹ thì nổi mẩn đỏ khắp người, đầu choáng váng, nặng
thì sốc phản vệ, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Theo
các bác sĩ, trong những thuốc gây dị ứng, thuốc giảm đau được liệt vào
hàng thứ 2, sau thuốc kháng sinh.
Bôi thuốc giảm đau... đau thêm
GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học VN, cho biết mới đây ông
đã điều trị cho một bệnh nhân nam, 60 tuổi, có tiền sử bị viêm đa khớp
nhập viện trong tình trạng sốt, sưng đau hai khớp gối. Theo lời bệnh
nhân kể lại, trước đó ông bị sốt kèm theo sưng đỏ hai khớp gối, nghe
lời mách bảo ông đã tự ý mua thuốc bôi ngoài da. Ngày đầu tiên các cơn
đau nhức khớp gối có giảm đôi chút nhưng sau đó khớp gối bắt đầu sưng
to và đau nhiều hơn mặc dù ông đã tăng thêm liều bôi. Theo GS Ân,
nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thuốc có chất gây dị ứng.
Điều đáng sợ là nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc gia truyền đã
trộn vào những thuốc giảm đau rẻ tiền như coticoid dẫn tới việc người
tiêu dùng phụ thuộc vào thuốc, bệnh không chữa được lại còn gây thêm
nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhiều phản ứng phụ
Theo GS Ân, trên thị trường hiện có hai dòng thuốc giảm đau được sử
dụng khá phổ biến là: thuốc giảm đau chống viêm và thuốc giảm đau hạ
nhiệt (thường dùng nhất là nhóm thuốc paracetamol với nhiều tên biệt
dược khác nhau như: epanadol, tylenol, efferalgan...) trong đó nhiều loại
thuốc sử dụng mà không cần kê đơn. Tuy nhiên, nếu lạm dụng bệnh nhân có
thể phản ứng da như mẩn ngứa, mề đay hoặc phù mạch, phù thanh quản. Nếu
dùng bừa bãi có thể gây ngộ độc, tổn thương gan và hệ thần kinh trung
ương. Thực tế, đã có nhiều trường hợp tử vong do sử dụng paracetamol
quá liều.
TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết
đối với nhóm thuốc giảm đau kháng viêm đặc trị thường mang lại kết quả
điều trị cao nhưng rất dễ gây biến chứng, nhất là những bệnh nhân có
sẵn bệnh tiêu hóa. Bởi đa số các loại thuốc giảm đau đều có tác dụng
kìm hãm sự sản xuất niêm mạc bảo vệ thành dạ dày, gây chảy máu dạ dày,
thậm chí vết loét xuất hiện suốt thời gian dài mà không biểu hiện triệu
chứng nào, cho đến khi dạ dày bị thủng hoặc xuất huyết nặng mới được
phát hiện.
Nhưng đáng nói là khá nhiều người cứ thấy đau bụng, đau đầu, đau
khớp... thường tự ý mua thuốc mà không cần sự chỉ định của bác sĩ. "Trong
khi đó, những trường hợp có các triệu chứng viêm xương khớp nếu dùng
thuốc bừa bãi rất nguy hại vì có thể kích thích bệnh lý khác phát
triển. Đối với những người có bệnh về gan, dùng thuốc giảm đau không
theo chỉ định sẽ đẩy nhanh quá trình suy gan, viêm gan mãn"- GS Ân cảnh
báo!
TS Dũng khuyến cáo, trong các thuốc giảm đau, cần thận trọng nhất
với aspirin, đặc biệt là trẻ em mới bị bệnh do virus vì thuốc có thể
gây tổn thương gan và não. Việc sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt khác
cho trẻ nhỏ cũng cần có sự chỉ định của bác sĩ.
Thận trọng với thuốc dạng dán và bôi
Nhiều bác sĩ cho biết, không ít người nghĩ đơn giản các cơn đau đầu
hay các sang chấn ngoài da là những bệnh vặt vãnh nên hay tự ý mua các
loại thuốc ngoài da về sử dụng. Tuy nhiên, trường hợp nếu các khớp viêm
có triệu chứng sưng, nóng, đỏ không được sử dụng các loại cao dán hoặc
thuốc bôi giảm đau có tác dụng làm nóng như Salonpas, Perkindon, Deep
heat, Sungaz... Bởi khi đó, tinh dầu nóng sẽ gây dãn mạch, khiến lượng
máu đổ về chỗ viêm tăng lên. Hậu quả chỗ viêm càng sưng và phù nề hơn
làm cho tình trạng viêm khớp càng nặng hơn. Với những thuốc giảm đau có
tinh dầu nóng chỉ nên sử dụng khi bị các sang chấn như va đập phần mềm
sưng bầm, bong gân, trật khớp, dãn dây chằng, đau khớp, đau mỏi mình
mẩy... Các chế phẩm có tinh dầu nóng chỉ nên sử dụng với liều lượng vừa
phải vì có thể gây bỏng da và tốt nhất không dùng cho trẻ nhỏ.